Vuông: Xin hỏi: Có ngày tốt, ngày xấu hay không?
Tròn: Ồ, có chứ. Các cụ vẫn nói: Có thờ có thiêng, có kiêng có lành… Xu cát tị hung, đón lành tránh dữ vốn là bản năng của con người. Chúng ta thường nghe: “Hôm nay ngày lành, tháng tốt…” hay “Xuất hành giờ đẹp..” mà
Vuông: Nghe nói: “Vô sư vô sách, quỷ thần không trách “cơ mà?
Tròn: Bất trách, không trách thật nhưng cũng khó được hưởng may mắn. Nếu nói vậy thì tinh hoa cha ông ta để lại bỏ đi hết hay sao. Vậy tiếc lắm. Biết vẫn hơn không. Vả lại, chọn ngày kén giờ còn thể hiện sự thành kính, thận trọng, nghiêm túc, không tùy tiện, không cẩu thả trước, trong và sau khi tiến hành một công việc, một sự kiện… do đó chí ít cũng làm mình yên tâm, được sự đồng tình của những người liên quan và đối tác.
Vuông: Các câu ca dao tục ngữ, kinh nghiệm các cụ truyền lại về vấn đề này đều có thể áp dụng hết hay sao?
Tròn: Cũng không hẳn thế. Thế gian vật đổi sao rời. Nhịp sống hối hả hôm nay không tĩnh lặng như trăm ngàn năm trước. Gạn đục khơi trong, đãi cát tìm vàng trong tri thức các cụ để lại. Loại bỏ những yếu tố lạc hậu, dị đoan, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm tốt đẹp mới hay. Đảng và nhà nước vẫn tôn trọng tự do tín ngưỡng, gìn giữ nét văn hóa dân tộc nhưng cũng luôn bài trừ mê tín dị đoan cũng vì lý đó.
Vuông: Vậy điều gì cũng phải xem ngày giờ hết à?
Tròn: Cũng tùy thôi, việc lớn nên xem, việc nhỏ thì tùy, những việc mình cho là quan trọng thì nên xem để vạn nhất có điều gì xảy ra cũng không ân hận vì đã không làm những việc có thể, ít nhất cũng yên tâm về tâm lý.
Vuông: Hiện nay có rất nhiều sách của nhiều tác giả nói về vấn đề này, của ta có, sách dịch có, phần lớn là na ná chung chung như nhau, nhưng cũng có nhiều cuốn đối lập nhau, cũng ngày đó tháng đó có sách nói nên làm việc nọ bỏ việc kia, có sách lại nói ngược lại, loạn hết cả nên, vậy thì biết theo ai được?
Tròn : Đúng vậy. Hiện nay sách tham khảo khá nhiều, chất lượng cũng không ổn định. Đôi khi chỉ trong một cuốn đầu đuôi đã mâu thuẫn. Cũng trong khoảng thời gian đó Thần sát nhộn nhịp, phần lớn là do các “ thầy” bày đặt, tô vẽ lên, gây hoang mang cho người đọc, vốn để gãi cho ngứa, chọc cho đau, khơi gợi chí tò mò để câu khách, để lừa gạt, chí ít cũng đánh bóng tên tuổi mình, cũng không ngoài hai chữ danh và lợi. Người đọc cần thận trọng. Tuy nhiên cũng cần nói thêm rằng thuật chiêm tinh, trạch cát đúng hay sai, cuốn sách, luận thuyết mà mình đang theo có đủ độ tin cậy hay không thì chỉ có những người chuyên sâu nghiên cứu mới xác định được.
Vuông: Thuật xem ngày giờ xuất phát từ đâu, dân ta sử dụng từ bao giờ?
Tròn: Cũng khó xác định xuất phát tự nơi nào, ở đâu. Thời gian xuất hiện cũng khó trả lời, tuy nhiên chí ít cũng vài ngàn năm. Sách Thông chí của Trịch Tiều (TQ) chép rằng: “Đời Đào Đường (Nghiêu) năm 2253 trước công nguyên, phương nam có họ Việt – Thường cử sứ bộ, qua hai lần phiên dịch sang chầu, dâng con rùa thần có lẽ đã sống nghìn năm, mình dài hơn ba thước, trên lưng có văn khoa đẩu, ghi việc khi trời đất mở mang. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là Quy lịch (lịch rùa) “ .. Tuy chưa hiểu rõ văn khoa đẩu đó là văn sẵn trên lưng rùa mà các nhà làm lịch nước Việt – Thường nghiên cứu ngàn năm qua sự phát triển của nó để rút ra quy luật về sự tuần hoàn của thời gian, thời tiết… hay đó là một thứ ký hiệu ta gọi là chữ Khoa đẩu mà các nhà làm lịch nước ta vạch lên mai rùa. Dù sao đó cũng là phát hiện riêng của các nhà thiên văn nước Việt Thường…
Khi làm lịch, tổ tiên chúng ta đã biết dựa vào những mốc tiêu chuẩn của thời gian theo chu kỳ của mặt trời, mặt trăng. Tín hiệu đó còn thể hiện qua hoa văn trống đồng Ngọc Lũ: trung tâm mặt trống là hình ảnh mặt trời, vòng trong là hạ chí, vòng giữa là xuân phân, vòng ngoài là đông chí…
Như vậy có thể thấy rằng từ lịch sử xa xưa ta đã có lịch và qua đó suy luận đã có thuật chọn ngày. Kể cả khi tiếp thu thuật chiêm tinh của các nước láng giềng ta cũng không tiếp thu toàn bộ, nhất là cách áp dụng và trong nhân gian tục kiêng cữ lại càng có nhiều điểm khác biệt.
Vuông: Thuật xem ngày, kén giờ dựa trên cơ sở nào?
Tròn: Việc chọn ngày giờ cũng là một phần của thuật số. Việc đời có tốt có xấu, có may có rủi… muốn biết được cũng nên hiểu về thuật số. Cơ sở của thuật số là thuyết âm dương, ngũ hành (Dịch lý) kết hợp khéo léo với các yếu tố tự nhiên khác, quy định trong lịch pháp của thiên văn cổ đại (chiêm tinh). Nó vừa có tính quy luật, vừa có tính xác suất… Nên còn gọi những người nghiên cứu thuật số đó là các nhà “Âm dương học”.
Vuông: Âm dương quan trọng vậy sao? Các thuyết khác thì thế nào?
Tròn: Thuyết âm dương, ngũ hành và khoa thiên văn học cổ đại đã được chứng minh có nhiều điểm phù hợp với kiến thức khoa học hiện đại và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.
Xin kể câu chuyện: Hán Vũ Đế (23 – 56 sau CN) triệu các nhà chiêm tinh, thuật số lại hỏi ngày X tháng Y cưới vợ được hay không. Người theo thuyết “Ngũ hành” bảo được. Người theo thuyết “Kham dự” bảo xấu. Người theo thuyết “Kiến trừ” nói không được. Người phái “Tùng thời” bảo rất xấu. Thuyết “Lục gia” nói hơi xấu. Theo thuyết “Thiên nhân” nói tốt vừa. Người theo thuyết “Thái nhất” bảo đại cát…tranh cãi hồi lâu chẳng ai chịu ai, bởi ai cũng có luận cứ của mình cả. Cuối cùng Hán Vũ Đế phán: Mọi điều nên hay kiêng, phải lấy thuyết “Ngũ hành” mà luận, để kết thúc cuộc tranh luận. Phần cũng vì đó mà thuyết “Ngũ hành” được phát triển và tin cậy thêm.
Vuông: Xem ngày kén giờ khác với xem bói thế nào?
Tròn: Các thuật sĩ làm nghề bói toán (tư vấn) và xem ngày giờ thường được gọi là các nhà “Âm dương học” hay các nhà “Chiêm tinh”, “Thầy”… Và thường là kiêm nhiệm cả hai lĩnh vực đó. Tuy nhiên đó là hai giai đoạn, hai lĩnh vực khác nhau trong tư duy con người. Khi con người muốn biết trong tương lai cuộc sống thế nào, sắp tới có may mắn hay vận hạn gì, lại không nắm được quy luật của tự nhiên, của xã hội thì hay dựa vào thuật bói toán khi chưa có chủ định cụ thể. Chưa biết phương hướng, chưa biết vận hội thành bại ra sao nên mang tính thụ động.
Khi chọn ngày kén giờ lại khác. Lúc đó thường là chủ sự đã có chủ đích, đã lên kế hoạch, định làm việc gì thì đã chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất. Hay chí ít cũng đã phác thảo kế hoạch. Duy còn phân vân đôi điều… Có nghĩa là đã tích trữ nội lực sẵn sàng cho việc đó, chỉ muốn biết mình trong thời điểm nào thực hiện thì mới thuận ý trời ý đất, ý đời, ý tự nhiên để tránh được tai họa, đi đến thành công, viên mãn.
Vuông: Các sao tốt xấu ý nghĩa ra sao, Sát chủ có nguy hiểm không?
Tròn: Các nhà chuyên môn thường phân ra nhóm sao tốt, sao xấu. Tốt có rất tốt, tốt vừa. Sao xấu cũng vậy. Ví như rất tốt (đại cát) có: Thiên đức, Nguyệt đức, Thiên đức hợp, Nguyệt đức hợp, Thiên quý, Yếu yên, Ngũ phú, tam hợp, Dịch mã… Tốt vừa như: Thiên xá, thiên mã, Hoạt diệu…
Thật xấu (đại hung) có: Thiên cương, Thụ tử, Sát chủ, Đại hao… Xấu vừa có: Nguyệt phá, Vãng vong, Hoang vu, Nguyệt hình…
“Sát chủ” cái tên nghe đã thấy nguy hiểm rồi. Nhưng nguy hiểm tới mức độ nào lại là cả một vấn đề… Xin kể câu chuyện: Có lần tôi tư vấn cho một người định ký một hợp đồng quan trọng với một công ty lớn. Ngày giờ đã định, hẹn hò gặp gỡ với đối tác xong. Về phần tôi cũng quên chuyện đó. Mấy hôm sau đang đi trên đường thì vị đó gọi điện cho tôi hỏi: Anh ơi, anh xem cho em ngày mai ký hợp đồng, nhưng cậu thư ký của em xem sách nói ngày mai là ngày sát chủ, phải tránh. Có đúng không anh? Tôi cười: Vị đó xem ở đâu, sách gì, tác giả là ai. Cậu ấy xem ở cuốn Lịch vạn sự. Cuốn đó đang trước mặt em, không có tên tác giả, cũng không có nhà xuất bản, cậu ấy nói mua của mấy bà bán rong ngoài đường hồi cuối năm ngoái. Tôi trêu: Tôi cũng có mua cuốn ấy, giá hai chục, cuốn sách mà tôi xem cho bạn giá hơn một trăm lại không nói ngày mai là ngày “sát chủ”… Tôi nói thêm: Cho dù ngày mai đúng là ngày “ sát chủ” đi chăng nữa thì “ chủ “ ở đây là chủ công ty kia, anh là khách cơ mà, nếu ký hợp đồng mà “ chủ” bị “ sát” thì phần lợi thuộc về “ khách” là anh rồi còn gì… Quả thực sau đó việc ký kết suôn sẻ. Công việc hai bên tiến hành thuận lợi, cả hai bên đều vui vẻ, thậm chí còn thành bạn thân nhau…
Vuông: Lịch vạn niên xuất hiện khi nào, còn tên gì khác, những nơi nào hay dùng?
Tròn: Lịch vạn niên còn có các tên: Hoàng lịch thông thư, Hiệp kỷ lịch, Hiệp kỷ biện phương thư, Vạn bảo toàn thư, Tuyển trạch nhật, Ngọc hạp…
Theo chứng cứ cụ thể thì Trung quốc có cuốn Hoàng lịch năm Bính tuất (năm thứ tư triều Đồng Quang nhà Hậu Đường 926) là cuốn cổ nhất.
Đời nhà Thanh, vua Khang Hy (1622 – 1722) ra lệnh cho nhóm học sỹ Lý – Quang – Địa biên soạn cuốn Tinh lịch khảo nguyên. Sau đó vua Càn Long nhà Thanh (1736 – 1795) lệnh cho nhóm Doãn Lộc, Mai cốc Thành, Hà quốc Tông… biên soạn cuốn Hiệp kỉ biện phương thư bổ sung cho cuốn trên. Đến triều Đạo Quang (nhà Thanh) nhóm học sỹ Diêu – Thừa – Dư soạn cuốn Trạch cát hội yếu. Cuốn này nội dung súc tích đầy đủ, bao hàm cả hai cuốn trên. Có thể nói 3 cuốn trên chính là tiền thân của Lịch vạn niên Trung quốc.
Việt nam thường dùng các cuốn: Ngọc hạp thông thư, Vạn bảo toàn thư, Đổng công tuyển trạch nhật, Chư gia tuyển trạch…
Đặc biệt triều Nguyễn (1802 – 1945) có Khâm định vạn niên thư (các triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) và Đại nam hiệp kỷ lịch (từ triều Thành Thái 1900 trở về sau) Đây là những cuốn có tính pháp định do tòa Khâm thiên giám soạn, trình nhà vua và nhà vua ban cho thần dân để sử dụng.
Vuông: Nói vậy những việc lớn phải theo lich pháp hết sao.
Tròn: Nói vậy nhưng không hẳn vậy. Cụ Phan Kế Bính có nói: Ngày nào cũng là ngày giờ, giờ nào cũng là giờ ngày. Không có ngày nào hoàn toàn tốt cũng như không có ngày nào hoàn toàn xấu. Bởi trời đất vốn có đức hiếu sinh. Người chọn ngày giờ nhưng ngày giờ cũng chọn người. Kể cả khi không được năm thì được tháng, không được tháng thì được ngày, không được ngày thí ắt hẳn sẽ chọn được giờ tốt. Có câu năm thiện không bằng tháng thiện, tháng thiện không bằng ngày thiện, ngày thiện không bằng giờ thiện” là vậy. Thậm chí một số việc khi cần mà không có được năm tháng ngày giờ tốt vẫn có thể dùng phép quyền biến để tạo tác…
Chuyện kể rằng: Năm 1332 Thuận Thành Bảo từ Hoàng Thái Hậu mất. Con là Thượng hoàng Minh Tông (lúc đó Ngài đã nhường ngôi cho con là vua Hiển Tông) Thượng Hoàng sai các quan chọn ngày chôn cất. Có quan tâu rằng: ” Chôn năm nay tất hại người tế chủ” . Thượng Hoàng hỏi: “Ngươi biết sang năm ta nhất định chết à?” Người đó trả lời là không biết. Thượng Hoàng bèn nói: “Nếu sang năm trở đi ta nhất định không chết thì hoãn việc chôn cất mẫu hậu cũng được, nếu sang năm ta chết thì lo xong việc chôn cất mẫu hậu chẳng hơn là chết mà chưa lo được việc đó ư? Lễ cát, lễ hung chọn ngày kén giờ là vì coi trọng việc đó thôi. Không nên quá câu nệ”.
Rốt cuộc vẫn cử hành lễ an táng…
Vuông: Chọn được ngày giờ lành thì công việc sẽ tốt hay sao? Chọn được ngày giờ tốt thì tốt với mọi người, mọi việc hay như thế nào?
Tròn: Ngày lành tháng tốt nói chung là tốt, tuy nhiên không phải là tốt với tất cả mọi người, mọi việc. Với từng người, từng việc cụ thể cần người có tư vấn phải có chuyên môn sâu mới đáp ứng được. Hơn nữa ngày giờ cũng mới chỉ là một phần, còn nhiều yếu tố khác. Chỉ riêng chọn được ngày giờ cho một công việc cụ thể cũng phụ thuộc trí huệ, đức độ của người tư vấn. Họa phúc của thân chủ nữa. “Phúc chủ, lộc thầy” là có ý như vậy. Tuy nhiên nếu có ngày lành tháng tốt cũng đã hay nhiều.
Vuông: Lịch vạn niên khác lịch vạn sự điều gì?
Tròn: Lịch vạn niên tổng tập nhiều năm. Lịch vạn sự thì năm một. Nhất là các cuốn lich vạn sự trôi nổi trên thị trường ngày nay thì thật khó tả. Trước tiên mà nói là không có nhà xuất bản, không có tác giả, không người chịu trách nhiệm. “Danh không chính thì ngôn không thuận”. Vậy mà cứ bán ào ào. Thật sự mà nói cũng có những năm cuốn lịch được soạn thảo công phu, nghiêm túc, tuy chưa kỹ nhưng cũng ổn. Nhưng về sau nhiều cuốn thật khó chấp nhận. Thậm chí có cuốn chỉ đổi ngày còn chép lại y nguyên năm trước. Có những năm gần chục cuốn Lịch vạn sự trên thị trường chẳng cuốn nào giống cuốn nào. Cùng một ngày cuốn A nói:” Nên xuất hành, giá thú..” cuốn B nói :” Kị xuất hành, giá thú…”? . Có cuốn ghi: Tháng giêng ngày Sửu trực Kiến, rồi đến tháng 2,3,4…đến tháng chạp cũng vẫn ngày Sửu trực Kiến? Nếu cứ địa chi nào trực đó thì bỏ đi chứ ghi trực làm gì cho thêm nhọc.
Hay năm Ất Hợi khảo sát thử vấn đề kị an táng có trên chục trường hợp liên tục 8 đến 10 ngày kị. Ví dụ: Từ 11 đến 21 tháng 8 kị an táng, từ 3 đến 13 tháng 8 (nhuận) kị an táng…???
… Những điều trên cho thấy cần biết bao một cá nhân, một tổ chức nào chính danh đứng ra soạn lịch vạn sự một cách nghiêm túc và trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu của đông đảo quần chúng. Mong cho điều đó sớm được thực hiện.
Vuông: Xin cám ơn.
23h 20 ngày 18.5.2017
Thái Hòa Bùi Đình Ngọc