TÌM HIỂU VỀ VIỆC THÁI LAN ĐỔI TÊN THỦ ĐÔ

Băng Cốc là thủ đô và đồng thời là thành phố đông dân nhất của Thái Lan. Bangkok có diện tích 1568,7 km² và nằm trong châu thổ sông Chao Phraya ở miền Trung Thái Lan với dân số khoảng 8 triệu người. (Wikipedia)

Mới đây, Nội các Thái Lan đã thông qua dự thảo thông báo của Văn phòng Thủ tướng về việc cập nhật tên của các quốc gia, vùng lãnh thổ, khu hành chính và thủ đô theo đề xuất của Văn phòng Hoàng gia. Theo đó, tên mới chính thức của thủ đô Bangkok sẽ là Krung Thep Maha Nakhon. Tên cũ Bangkok sẽ được đặt trong ngoặc đơn.

Phiên âm tiếng Anh tên gốc của thủ đô Thái Lan là: Krung Thep Mahanakhon Amon Rattanakosin Mahinthara Ayuthaya Mahadilok Phop Noppharat Ratchathani Burirom Udomratchaniwet Mahasathan Amon Piman Awatan Sathit Sakkathattiya Witsanukam Prasit,

Có nghĩa là “Thành phố của những thiên thần, Thành phố vĩ đại, Thành phố ngọc vĩnh cửu, Thành phố bất khả xâm phạm của Thần Indra, Thủ đô lớn của thế giới được ban tặng cho chín viên ngọc quý, Thành phố hạnh phúc, đủ đầy trong một Cung điện Hoàng gia khổng lồ giống như Thiên đường nơi ngự trị Thần tái sinh, một thành phố được ban cho bởi Indra và được xây dựng bởi Vishnukam”.

(Ngày 15-2, Nội các Thái Lan đã thông qua dự thảo của Văn phòng Thủ tướng về cập nhật tên gọi của các quốc gia, vùng lãnh thổ, khu hành chính và thủ đô theo đề xuất của ORST. Tên chính thức mới, Krung Thep Maha Nakhon, vẫn chưa có hiệu lực cho đến khi ủy ban phụ trách xem xét tất cả các dự thảo một cách kỹ lưỡng. Chính phủ Thái Lan cũng yêu cầu ban hội thẩm xem xét các góp ý bổ sung từ Bộ Ngoại giao).

 

TÌM HIỂU QUAN NIỆM CỦA NGƯỜI THÁI VỀ THAY TÊN ĐỔI VẬN

Năm 20 tuổi, Sarocha cảm thấy tuyệt vọng sau khi gặp hàng loạt việc đen đủi, đặc biệt trong tình trường, cô quyết định đổi tên.

“Sau khi bố mẹ tôi ly hôn, mối tình nào của tôi cũng tồi tệ. Tôi đi xem bói, thầy bảo rằng chính cái tên của tôi là nguyên nhân”, Sarocha, hiện 31 tuổi, người Bangkok, kể lại.

Đổi tên với hy vọng cải thiện vận mệnh tương lai thoạt nghe có vẻ là quyết định quá đà, nhưng đây là chuyện phổ biến ở Thái Lan. Một số người Thái Lan thậm chí còn đổi cả họ lẫn tên.

 

Có nhiều lý do khiến người Thái Lan đổi tên, từ mắc bệnh mạn tính tới khó khăn tài chính hay sự nghiệp trì trệ. Người Thái có thể quyết định đổi tên lúc bé hay sau khi trưởng thành.

Trong khi một số nước như Iceland hay Đan Mạch có danh sách tên được phép chọn, thì đa phần người Thái Lan thường tham khảo ý kiến thầy bói hoặc thầy tu để xin cái tên phù hợp, mang ý nghĩa tốt lành.

Một thầy bói bài tarot đang xem vận mệnh cho khách gần trường đại học Thammasat, Bangkok, năm 2015. Ảnh: DPA

Khi Somchart bắt đầu hứng thú với chiêm tinh học, ông vội vàng thay đổi tên mình và tên cả nhà với kỳ vọng may mắn hơn. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ hơn, người đàn ông 64 tuổi nhận ra đã mắc lỗi khi đổi tên vợ con.

“Đổi tên hai lần, ba lần không có gì lạ. Tôi có bạn đổi tên tới 5, 6 lần”, Somchart nói.

Đổi tên liên tục có thể gây nhầm lẫn ở quốc gia khác nhưng người Thái Lan thường gọi nhau bằng biệt danh đặt từ khi ra đời. Biệt danh này không đổi và hoàn toàn không giống tên khai sinh. Tên khai sinh chỉ được sử dụng trong văn bản hay sự kiện chính thức.

Somchart, giống nhiều người tin vào thay tên đổi vận, tuân theo kinh sách cổ Tamra Taksa, hướng dẫn đặt tên sử dụng ký tự tốt hay xấu dựa theo ngày sinh trong tuần. Người sinh vào thứ hai nên đặt tên không có nguyên âm để tránh xui xẻo.

Mọi người trong gia đình Somchart đều chọn tên độc và phức tạp vì mỗi ký tự đều được chọn lựa cẩn thận dựa trên đặc tính cát tường liên quan tới ngày sinh. Các ký tự dựa theo chiêm tinh học Thái Lan và chia thành 8 nhóm là mối quan hệ, sức khỏe, quyền lực, danh dự, giàu có, siêng năng, bảo trợ và vận rủi.

“Đều có phương pháp cả, tôi không chọn tên một cách ngẫu nhiên”, Somchart, người hiện tại có tên chính thức là Kichthanaphong, nói.

Khi được hỏi liệu ông có đổi tên lần nữa không, Somchart cho hay sẽ đổi họ để tưởng nhớ bố mẹ đã qua đời. Gia đình Somchart, giống nhiều người Thái gốc Hoa khác, đã phải đổi họ Trung Quốc sang họ Thái Lan dài và phức tạp do chính sách đồng hóa của chính phủ cố thủ tướng Plaek Pibulsongkram.

Thay tên không lạ với Nasipas, 32 tuổi, nhân viên bất động sản. Mẹ cô đã đổi tên hai lần, lần đầu sau khi ly hôn và lần thứ hai sau khi một thầy bói cảnh báo bà sẽ qua đời trước sinh nhật năm đó.

Nasipas ban đầu do dự khi thầy bói cảnh báo họ của cô đặc biệt không tốt và khuyên nên đổi họ

“Đổi họ là vấn đề rất lớn, nhưng ông ấy đã thuyết phục được tôi khi nói rằng họ cũng giống như đất, còn tên giống như cây. Nếu đất không tốt ngay từ đầu thì cây không thể phát triển”, Nasipas nói.

Thuê người đặt tên mất 80 USD, còn phí đổi tên trong hồ sơ quốc gia là 5 USD. Ở nơi có mức lương tối thiểu hàng ngày là 11 USD, đổi tên không phải là ưu tiên với những người đang chật vật kiếm sống.

Quy trình đổi tên ở Thái Lan rất đơn giản. Chỉ cần hai loại giấy tờ là bản sao hộ khẩu và thẻ căn cước, cả hai đều được thay đổi tại chỗ. Người Thái có vô số lựa chọn đổi tên, nhưng Luật Tên người cấm đổi họ trùng hay tương tự danh xưng của Nhà vua hay Hoàng hậu.

Những người đổi tên phải thay đổi hàng loạt giấy tờ pháp lý như hộ chiếu, bằng lái xe và tài khoản ngân hàng. Nhưng trước triển vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, nhiều người cho rằng nó đáng giá.

Vài năm sau khi Nasipas đổi tên mới, cô nhận thấy cuộc sống của mình đã cải thiện đáng kể. “Ngay cả bây giờ, khi đại dịch đang hoành hành, các đại lý bất động sản phải vật lộn kiếm hoa hồng, tôi vẫn dư dả tài chính và không bao giờ thiếu khách hàng”, cô nói.

Ngoài đổi tên, cô còn mua số điện thoại, biển số xe và vòng tay may mắn. “Tôi không thể xác định chính xác yếu tố nào khiến cuộc sống của tôi tốt hơn”, cô nói.       ( Tìm hiểu về vấn đề này mọi người có thể đọc bài: Chọn số điện thoại của tác giả Bùi Đình Ngọc trên nội san CLB Văn hoá Phương đông hay trên Facebook hoặc Website của CLB)

Về phần Sarocha, cô đã thất vọng sau khi đổi tên thành Pachiraporn. Cái tên không thay đổi cuộc sống nhiều như cô kỳ vọng. Ba năm sau, cô lại đổi tên lần nữa. Lần này, cô muốn cải thiện triển vọng nghề nghiệp.

“Một người bạn làm cùng ngành với tôi đã kiếm bộn tiền sau khi đổi tên. Cô ấy giới thiệu cho tôi thầy bói cao tay nên tôi nghĩ, tại sao mình không đổi tên lần nữa?” Sarocha bày tỏ.

Cuộc đời Sarocha “nở hoa” sau khi đổi tên lần hai nhưng cô cho rằng đó không phải nguyên nhân trực tiếp.

“Tôi tin vào luật hấp dẫn, ta nghĩ gì sẽ ứng vào đời. Hạt giống tinh thần mà bạn gieo sẽ kích thích tiềm thức để biến mục tiêu đó thành hiện thực”, Sarocha nói.

Các nước phương đông thường cho tên người cũng có ảnh hưởng nhất định tới người mang tên đó. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này mọi người có thể tham khảo thêm cuốn sách VIỆT DANH HỌC của tác giả Cao Từ Linh do nhà xuất bản Thời đại phát hành năm 2009.

     20-2-2022

Thái Hoà Bùi Đình Ngọc

Sưu tầm và biên soạn