MỘT VĂN BẢN TÂY TIẾN KHÁC ĐƯỢC CHÉP TAY, QUANG DŨNG TẶNG HẢI BẰNG

BTH Sưu tầm

Có một văn bản khác của bài thơ Tây Tiến do chính nhà thơ Quang Dũng chép tay, vừa được công bố trên các trang báo văn nghệ trong tuần qua, thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Bản chép tay của nhà thơ Quang Dũng tặng nhà thơ Hải Bằng - Ảnh do Nguyễn Phước Hải Trung cung cấp
Bản chép tay của nhà thơ Quang Dũng tặng nhà thơ Hải Bằng - Ảnh do Nguyễn Phước Hải Trung cung cấp

Bản Tây Tiến này có một số chi tiết khác với tác phẩm đã xuất bản cũng như bài thơ đã đưa vào sách giáo khoa.

Đó là một bản chép tay của nhà thơ Quang Dũng tặng nhà thơ Hải Bằng, vừa được nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung (con trai của nhà thơ Hải Bằng, hiện ở Huế) công bố trên tạp chí Sông Hương tháng 5-2021 và báo Văn Nghệ ngày 22-5.

“Cọp trêu ngươi”, “thơm nếp sôi”, “dáng Kiều thơm”

Bản chép tặng này có nhan đề “Nhớ Tây Tiến – 1947”, có ba chi tiết khác biệt lớn so với bản Tây Tiến đã in trong các sách của Quang Dũng và trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 (tập 1, trang 88 – 89).

Nếu trong bản Tây Tiến đang lưu hành hiện nay có các câu thơ “Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”, “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”, “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”, thì trong bản chép tay này là “cọp trêu ngươi”, “thơm nếp sôi”, “dáng Kiều thơm”.

Nhà nghiên cứu Hải Trung cho rằng đây là những điểm “khác biệt quan trọng”, liên quan đến ngữ nghĩa câu thơ và ý tứ của tác giả. Nếu theo văn bản này thì ý của tác giả cũng như ý câu thơ sẽ khác với văn bản đang lưu hành.

Trao đổi về vấn đề này, bà Bùi Phương Thảo – con gái nhà thơ Quang Dũng, đồng thời là người đại diện cho gia đình nhà thơ – khẳng định: văn bản bài thơ Tây Tiến đang lưu hành trong sách giáo khoa cũng như nhiều cuốn sách của Quang Dũng là bản chính thức và chính xác.

Cặp đôi chiến sĩ Tây Tiến Phạm Đình An một thời hoa lửa - Ảnh: Ban liên lạc Tây Tiến

Đây là văn bản đã được chính nhà thơ Quang Dũng hoàn chỉnh và cho in trong tập thơ “Mây đầu ô” (NXB Tác Phẩm Mới, năm 1986).

Bà Phương Thảo cho hay khi làm tập thơ này, nhà thơ Quang Dũng đã trao đổi rất kỹ với nhà thơ Trần Lê Văn, người bạn thân thiết và cũng là người tổ chức bản thảo thơ Quang Dũng.

Từ đó về sau, các sách Tuyển tập Quang Dũng (NXB Văn Học 1988), Quang Dũng – tác phẩm văn học được Giải thưởng Nhà nước (NXB Hội Nhà Văn 2014), cũng như nhiều sách khác, trong đó có sách giáo khoa lớp 12, đã lấy văn bản thơ Quang Dũng từ một nguồn chính thức là tập “Mây đầu ô” (trong đó có bài Tây Tiến).

“Bản thảo đầu tiên khác với bản công bố chính thức là điều bình thường đối với người sáng tác, bởi sau đó tác giả còn chỉnh sửa cho hoàn thiện hơn. Bút tích của bản đầu tiên đưa ra là để minh họa về quá trình sáng tác, không thể căn cứ vào đó để khẳng định “nếp sôi” mới đúng” – bà Thảo nói.

Làm phong phú cho “bảo tàng Quang Dũng”

Nhà thơ Mai Văn Hoan, nguyên là giáo viên môn văn Trường THPT Quốc Học – Huế, đã nhiều lần giảng bài thơ Tây Tiến cho học sinh lớp 12 nên ông rất quan tâm đến sự kiện này.

Ông cho rằng dù bài thơ do chính Quang Dũng chép tặng nhà thơ Hải Bằng từ trước năm 1975 thì cũng không thể xem là bản gốc.

Theo lời kể của Quang Dũng, bản thảo đầu tiên bài Tây Tiến có nhan đề là “Nhớ Tây Tiến”, ông gửi cho nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và sau đó nhà thơ Xuân Diệu đã cho đăng ở tạp chí Văn Nghệ số 11 – 12 tháng 4 – 5 năm 1949.

Bài thơ hay nên nhiều người chép chuyền nhau. Năm 1957, bài thơ được in lại với nhan đề Tây Tiến do tác giả tự bỏ đi chữ “nhớ”. Lần thứ ba, in lại trong tập “Mây đầu ô”, xuất bản năm 1986, lúc này tác giả vẫn còn minh mẫn.

Mãi đến năm 1988, ông bị bệnh nặng và qua đời. Điều này chứng tỏ Quang Dũng là người chịu trách nhiệm chính trong việc chỉnh sửa văn bản bài thơ Tây Tiến.

“Nhưng dù không phải là bản gốc, và không phải là bản hoàn chỉnh, thì bản chép tay bài Tây Tiến mà Quang Dũng tặng Hải Bằng cũng là một tư liệu quý, bổ sung một hiện vật làm phong phú thêm “bảo tàng Quang Dũng””, ông Hoan nói.

BTH Sưu tầm theo TTO ( Tuổi trẻ Oline)

Bản chính thức là bản hoàn hảo, đương nhiên là như vậy. Tuy nhiên theo tôi những câu chữ bổ sung ở bài này cũng có nét hay riêng của nó: ví như câu “ cọp trêu ngươi” thì con người là chủ động, con cọp làm trái mắt như kiểu trêu ngươi mình, còn “cọp trêu người” thì cọp chiểm vai trò chủ động. Rõ ràng các chiến sỹ đi đánh giặc, khó khăn gian khổ đến thế thì không thể ngứa mắt vì con hổ được, mà ở đây là hổ chủ động đến “trêu người”… Tuy nhiên nếu “ cọp trêu ngươi” thì hào khí của những người con đất Thăng long đó coi cọp chỉ như “trêu ngươi” mình thôi cũng có nét hay riêng. Câu “cơm nếp sôi” được sửa thành” cơm nếp xôi” thì đương nhiên là chuẩn. Tuy nhiên những ai từng đọc các tác phẩm văn học thời kỳ đó sẽ thấy việc dùng sai chính tả một cách chủ động cũng tạo ra nét độc đáo riêng cho mảng văn học thời bấy giờ, họ thường nói” ông giăng” chứ không nói “ông trăng”, “ông giời”, chứ không phải “ông trời” hay “lòng súng”, “hòn đạn”…, thậm chí họ còn cố tình đưa tiếng địa phương vào tạo hiệu ứng riêng, cái hay riêng, tuy nhiên xét về mặt văn phạm thì lại khác. Duy câu “ dáng Kiều thơm” thì tôi thấy không hay bằng” dáng kiều thơm” bởi “ dáng Kiều thơm” ám chỉ một nhân vật cụ thể nào đó, còn “dáng kiều thơm” là một hình ảnh thiếu nữ nào đó rộng và mộng hơn nhiều.

Trong lúc chống dịch ở nhà, đưa lên đây mấy nhận xét về một tác phẩm văn học để mọi người cùng bàn luận và chia sẻ. Trân trọng.

29-5-2021

 BTH