TOẠ KHÔNG HƯỚNG MÃN

BÌNH DƯƠNG TU DỤNG THUỶ – BÌNH ĐỊA BẤT LUẬN PHONG

Một số thầy cho rằng Âm phần, Dương trạch phải: Đầu gối sơn, chân đạp thuỷ (sau cao, trước thấp) mới đắc cách, nếu ngược lại là sai cách. Đặc biệt còn cho rằng trước mặt là gò đồi, sau lưng có hồ nước hoặc trũng thấp thì thất cách.

Tầm long tại Hải dương ( Ảnh: Thái Hoà Bùi Đình Ngọc)

Xin tản mạn mấy dòng.

 Các bậc tiên triết, thánh thủ địa lý cũng đã bàn về vấn đề này. Gọi đó là tọa Không, hướng Mãn:

– Ở chỗ ngồi, đằng sau không khoáng, là không có núi non hoặc ruộng đất và gò đống cao hơn, hoặc gặp nước là Tọa không.

– Ở trước mặt, gần hoặc xa, có đồi núi cao hơn, gọi là Hướng mãn hay là Triều Mãn cũng thế.

Ngay tại Hà nội – Thăng long ngàn năm văn hiến đã thấy có:

Ngôi chùa Trấn quốc ở trong hồ Tây xung quanh là nước mông mênh; phải làm đường bắc cầu mới đi vào được. Trước kia, còn phải đi thuyền, và gần đấy, cũng có một ngôi ở liền hồ Tây và bên cạnh hồ Trúc bạch, gọi là đền Quan thánh cũng tọa không, hướng không cả. Trong hồ Trúc bạch có ngôi đền Cẩu nhi cũng phải ra vào bằng thuyền.

Chùa Trấn quốc ( Hồ Tây – Hà nội)

Ngôi đền Ngọc sơn ở trong hồ Hoàn Kiếm, giữa cố đô Hà Nội cũng tọa không. Đều là những danh thắng nổi tiếng.

Dọc theo đê hữu ngạn và tả ngạn sông Hồng khu vực Hà nội có rất nhiều chùa chiền, đền miếu mặt nhìn vào đê, sau lưng là ruộng đồng, ao hồ hoặc quay lưng ra sông… Vậy mà Thăng long linh thiêng hào hoa, hào khí ngất trời…

Ngôi đền của đức Thánh Trần Hưng Đạo, ở gần chân núi Vạn Kiếp thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương miền Bắc Việt nam. Trước là ngôi Dương Trạch ( Biệt thự) của Ngài. Khi Ngài từ trần, thì là ngôi đền thờ, do Ngài lập sẵn.

Ngôi đền này, cũng ở trên một bãi đất đột thấp giữa khu đồng nước trũng, xung quanh và trước, sau đều là nước liền giáp với cạnh tường đền, lưu hãm kinh niên và cũng là nước xung hậu đầu vì khi mùa mưa, ở trên dẫy núi đằng sau đầu đổ xuống; tức là thủy xung bối tích, rồi mới tràn xuống sông lớn ở trước mặt, gần đến, cũng là tọa không, hướng không. Ở mãi xa chừng 10 dặm, mới có sơn cao chầu lại tác án. Chỉ có dãy núi vòng cong ôm lại, thò ra bên tả, bên hữu nhưng cũng cách một khoảng nước bao bọc quanh đền, ở phía đằng sau; rồi mới đến núi cao. Vậy mà Đức thánh Trần: hồn thiêng sông núi, niềm tự hào của Việt nam ta bao đời nay.

 Ngôi đền Phủ Dầy ở huyện Vũ Bản, Nam Định cũng tọa không v.v…

Những ngôi chùa, đền kể trên, đều tọa không mà khách thập phương đến chiêm bái đời đời không dứt!

Buổi làm việc của Viện Nghiên cứu Ứng dụng Kiến trúc Phong thuỷ

Hay như ngôi âm phần, mộ tổ của nhà họ Nguyễn ở làng Kim Đôi huyện Võ Giảng, tỉnh Bắc Ninh cũng tọa không, ở trên một giải đất bằng, nhỏ, hẹp, nằm liền, bên bờ sông Nguyệt Đức ( tức sông Cầu) dài mấy tỉnh, rộng và sâu. Ở đằng sau đầu, tức là đại thủy hoành đầu; đằng trước liền giáp ngòi tào khê, cửa nước tiêu của vùng ba huyện. Chỉ cách mộ độ 10 thước, là đến nước, rõ ràng là tứ vi thủy nhiễu, cận huyệt, mà kết phát kế thế cao khoa mười tám (18) Tiến sĩ đồng triều, về đời nhà Trần và Hậu Lê! Đến đời nhà Nguyễn Gia Long thuộc Pháp, vì bị đắp con đường đê ở sau, gần mộ độ 10 thước và xẻ cống đứt cuống mạch mà thấy họa! Mấy người thanh niên mới đổ Cử nhân, đương tấn tới, thế mà bị bệnh thổ huyết chết cả, mới hết phát!

Ngôi mộ nhà họ Nguyễn ở làng Vân Điềm, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, để trên cái Thổ tinh vuông thấp, đột lên ở trên phiến đồng ruộng cao, xung quanh là rộng trũng và ngòi nước bao quanh ở ngoài, cũng là tọa không. Thế mà phát nhân tài cả văn và võ, làm đến Quận công khai quốc v.v…

Còn nhiều ngôi đại quý địa khác ở miền Bình dương cũng tọa không, như đất nhà Hậu Lý ( Lý Công Uẩn) ở Bắc Ninh, nhà Trần ( Trần Thủ Độ) ở Nam Định v.v… cũng đều tọa không mà phát đến Khôi nguyên, Hùng tướng, Đế vương!

Tầm long tại Hà tĩnh ( Ảnh Thái Hoà Bùi Đình Ngọc)
Tầm long tại Hà tĩnh ( Ảnh Thái Hoà Bùi Đình Ngọc)

Hay nói về Phong thuỷ Trung hoa, ví dụ về vấn đề này cũng rất nhiều:

So sánh về Dương Trạch, thì không nơi nào rộng lớn bằng nơi Châu Thành, mà nhà ở Châu Thành thì đều là tọa không, hướng mãn, mà nhân, vật phồn thịnh, tiền của tụ tập!

Người, khi sống, nhà ở đã tọa không; lúc chết phần mộ cũng lại tọa không, mà con cháu vẫn hay! Đời đời không dứt.

Hay như Đàm châu, Hàng châu đều tọa không, hướng thực mà Không long hoạt bát, phồn thịnh bao đời…

Xin chép ra đây lời của tiên hiền về ví dụ trên:

“ Thiên hạ Châu thành trú hướng không!

“Hà tằng xanh trú hậu đầu long!

Kim nhân bất hợp cổ nhân pháp

Thùy đạo hậu đầu vô hảo phong!

Châu huyện nhân gia, nhược phạ thử

Thiên môn, vạn hộ, chẩm sinh dong?

Vô minh kiến giả, sinh nghi hoặc…

– Những nơi châu thành, thành thị, trong thiên hạ đều ở chỗ tọa không, hướng không.

– Đâu có phải cứ theo: ở đằng sau đầu có sơn cao!

– Người đời nay không hợp với phương pháp đời xưa.

– Ai bảo đằng sau đầu có sơn cao không tốt!

– Những người ở nơi thành thị, nếu sợ như thế.

– Thì hàng trăm ngàn nhà, phố, ở vào đâu mà sống?

– Không nhìn thấy rõ, thì đâm ra hoang mang , nghi hoặc.

Như vậy thì hai câu: “Bình dương tu dụng thủy”; “ Bình địa bất luận phong” quả thật là Thánh hiền dạy không sai và vô cùng kỳ ảo.

Mượn lời của tiên hiền chép ra đây. Cùng mọi người suy ngẫm.

Việc giải thích tại sao, sử dụng thế nào tuy không đơn giản, nhưng cũng không quá phức tạp, xin hẹn dịp khác.

 

    Hà nội Xuân Nhâm Dần

            22-3-2022

     Thái Hoà Bùi Đình Ngọc