DỊCH HỌC VÀ SỰ TỒN TẠI

Trích trong tài liệu “DỊCH HỌC CƠ BẢN” 
Thái Hòa Bùi Đình Ngọc

“Tâm còn chưa thiện – Phong thủy vô ích

Bất hiếu cha mẹ – Thờ cúng vô ích

Anh em chẳng hòa – Bạn bè vô ích

Việc làm bất chính – Đọc sách vô ích

Làm trái lòng người – Thông minh vô ích

Chẳng giữ nguyên khí – Uống thuốc vô ích

Thời vận không thông – Mưu cầu vô ích”
                                                              Lời Khổng Tử

         Cuộc sống chẳng hề đứng yên. Luôn vận động, luân chuyển, biến đổi không ngừng…  Mọi việc sinh tử, thường biến trong thiên biến vạn hóa nhưng vẫn có trình tự nhất định và có quỹ đạo để theo. Bất kể theo chiều dọc lịch sử hàng ngàn năm, theo chiều ngang 6 châu, hiền hay ngu, thành hay bại của sự việc… vô hình chung vẫn có một giới hạn khó tránh. Có thể diễn giải bằng phương thức khoa học tổng quát, phổ biến để mọi người cùng biết và nghiên cứu mà đón nhận thuận lợi, mở mang sự nghiệp, diệt trừ đau khổ… chính vì vậy ứng dụng của Dịch học thật vô cùng vô tận. Những điều cốt yếu thật quá ư đơn giản: số của nó có 9, sắc của nó có 7, hành động của nó được phân ra thuận nghịch. Thực hiện theo nó có thể đoạt quyền

sinh sát. Phần lớn không cần nói mà vẫn tin. Không ra lệnh mà vẫn làm. Không giận dữ mà vẫn có thần uy.

Học và nghiên cứu Kinh dịch phần lớn là nhờ giác ngộ. Không hoàn toàn là chữ nghĩa. Khi đã giác ngộ thì sẽ hiểu được sự huyền vi của nó. Từ đó có thể biết hết thảy đều có hình, có tướng, có thể nghe, thấy, ngửi, nếm, động chạm…

Ngay cả những thứ tưởng chừng không thực, như trong chân không chẳng thấy hình, sắc song vẫn có thực tướng ở mọi lúc, mọi nơi. Thi hành quyền sinh sát của nó một cách độc lập. Đầy rồi vơi, thái rồi bĩ. Tuyệt rồi sinh, bác rồi phục… cứ tuần hoàn thay thế cho nhau..

Người mê tín cho đó là quyền tối cao của tạo hóa. Chúng ta cho đó là sự chuyển biến của tự nhiên, của chính mình.

Kẻ cố chấp luôn luôn gặp nguy hiểm. Người giỏi ứng biến, hiểu được quy luật và chữ THỜI thì không có gì là không lợi.

Chúng ta nghiên cứu Dịch học là tri thức của cha ông để lại từ thời cổ đại thì phải hiểu Dịch học vừa có tính chân lý nhưng cũng khó tránh khỏi nét hoang đường. Nếu khuếch đại tính chân lý của nó thì sẽ thiếu độ tin cậy. Nếu cho nó thuần túy hoang đường thì sẽ rơi vào cực đoan, vào chủ nghĩa hư vô, phủ nhận tinh hoa của cha ông để lại…

Vì vậy cả hai khuynh hướng đều không nên chọn. Thái độ đúng đắn nhất là đãi cát tìm vàng, gạn lọc tinh hoa, vứt bỏ rườm rà, phi thực. Tất cả phải lấy thực tiễn kiểm nghiệm làm tiêu chuẩn. Đúng thì phát huy, sai thì sửa chữa, rút kinh nghiệm thì môn học này mới có ý nghĩa và kế thừa, phát huy được tri thức của cha ông để lại…

Tượng Số Tiên Thiên Bán Cầu Nam - Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Cách dụng Dịch thật vô cùng, vô tận. Xin được chép lại mấy lời của tiền nhân về lĩnh vực bốc phệ ( Dự đoán – Mệnh lý – Bói quẻ Dịch ) để mọi người cùng chiêm nghiệm :

            “ Bói là đạo thông vởi thần minh để định hung cát, quyết ưu nghi, biện âm dương ở hào tượng, xét huyền cơ ở biến hoá. Ý nghĩa hết sức tinh vi mà thông suốt lại vô cùng. Kinh có bảo: ” Đạo chí thành thì có thể biết trước”, cho nên người đi xem bói không thành tâm thì chẳng cảm được, mà người thầy vọng đoán thì chẳng được linh. Đó là điều cần phải luận.

– Người đời có việc cần thì bói nhưng chữ “Thành” còn chưa rõ. Những kẻ làm những việc bại hoại thương luân, thì lúc lâm thời muốn cảm với thần minh thì hỏi làm sao mà cảm được. 

  –  Lại có kẻ giàu sang, xem nhẹ chuyện bói toán, cậy nhờ thân bằng quyến hữu, hoặc uỷ cho nô bộc đi xem hộ, mà người này lòng chẳng thành, nên bói chẳng ứng, quẻ chẳng linh rồi kết tội cho người thầy, mà không biết lòng thành chẳng đạt. Đó là lỗi của người đi coi.

– Còn những thầy xem bói mà tâm hiếu lợi, dùng bói để đánh lừa. Tức như người đến xem về bệnh, việc chẳng quan trọng lắm, mà táng tận lương tâm, cấu kết với tăng ni đạo sĩ, bày đặt lễ lạt này nọ,vọng đoán mà cầu lợi. Lại nhìn người đến xem giàu nghèo để đoán nhiều hay ít. Đoán bậy mà dẫn người xem đến chùa nào đó, đạo quan nào đó, lễ lạt bao lần, hoặc tới am miếu nào đó cầu đảo bao nhiêu ngày. Người xem hoang mang việc gì cũng theo. Với người giàu có thì dễ, còn người nghèo thì phải cầm cố nhà cửa, bán đồ đạc mà mang nợ nần. Nếu được lành thì cho là nhờ đầy đủ lễ, mà chết thì cho là tụng không đủ kinh… Nhưng chết rồi thì có ích gì. Đó là cái hại của tăng đạo. Lại có người mới học y, mạch lý chưa thông, lại giới thiệu người bói về y, mà kẻ này sở đắc chỉ là các tiết lễ cúng cấp, thì người bệnh bị cái hại chết người. Đó là cái hại về thầy thuốc. Hai việc này vẫn thường xảy ra…”

             Nay nhân đầu năm mới. Đọc Dịch. Tản mạn đôi dòng…

Hà nội 4-2-2023

Thái Hòa Bùi Đình Ngọc

Chủ nhiệm CLB KINH DỊCH-PHONG THỦY UNESCO ( CLB NC & PT VĂN HÓA PHƯƠNG ĐÔNG). Phó Viện trưởng Viện NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG KIẾN TRÚC PHONG THỦY.