CỔNG TAM QUAN VÀ CỔNG TAM QUAN CHÙA VIỆT- MỘT GÓC NHÌN
Thái Hòa Bùi Đình Ngọc
Trước tiên ta tìm hiểu khái niệm về cổng tam quan nói chung.Tam quan có nghĩa là ba cửa. Cổng tam quan là cổng được thiết kế ba lối đi với phần cửa chính giữa lớn và hai cửa nhỏ hai bên. Phần vách của cổng tam quan thường được làm bằng gỗ hoặc xây tường gạch, đá. Phần phía trên thường được lợp mái, phần hai bên cổng thường có tạc câu đối. Phần nối liền các vách và các trụ là phần trán cổng có ghi tên vùng đất, chùa, đền, lăng mộ… hoặc cũng có thể đề tên cửa.
Cổng tam quan thường được chia làm hai loại là cổng tam quan có gác và cổng tam quan tứ trụ.
Cổng tam quan có gác là các cổng thiết kế nhỏ có thể là một tầng, hai tầng, ba tầng mái hoặc có gác. Đối với các cổng tam quan có gác phía trên thường dùng để treo chuông, khánh….
Cổng tam quan tứ trụ là cổng thay vì thiết kế các vách tường thì làm bốn trụ tạo thành ba lối đi. Phần phía trên nối liền bốn trụ là phần trán cổng.
Cổng tam quan là một phần không thể thiếu trong kiến trúc đền, chùa, lăng mộ, vùng miền… Đó là bởi vì cổng tam quan mang rất nhiều ý nghĩa đối với văn hóa Việt
Cổng tam quanđược xây dựng làm cổng làng, đình, đền, miếu ở nhiều địa phương khác nhau trên cả nước. Theo các bậc cổ nhân, cổng tam quan cũng thể hiện cấp bậc của những người đến vãn cảnh hay lễ bái. Trong những dịp tiếp đón nhà vua, vua sẽ đi vào từ cổng lớn, cổng bên phải là lối của quan văn, cổng bên trái là lối của quan võ. Với những buổi tế lễ, hội làng, cửa chính của cổng đình làng dành cho các vị chức sắc, cao niên, hai cửa phụ hai bên dành cho trung niên hoặc thanh niên, thể hiện sự tôn kính và trang trọng đối với bậc tiền bối.
Như vậy, chiếc cổng tam quan có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, không chỉ thể hiện văn hóa tâm linh sâu sắc của người Việt mà còn là di sản dân tộc mang dấu ấn sâu đậm của lịch sử. Với những người con xa quê hương, xóm làng, chiếc cổng tam quan với cây đa, giếng nước, sân đình chính là hình ảnh thân thuộc nhất về nơi cắt rốn chôn rau ( St).
Trong phần tiếp theo của bài viết này ta tập trung vào nguyên tắc thiết kế Phong thủy cổng tam quan chùa theo tri thức của tiền nhân để lại.
Chúng ta ai cũng biết rằng nói về phong thủy là một bộ môn học vấn về kiến trúc. Lĩnh hội được nó một cách thấu đáo phải có tư duy về kiến trúc địa lý, kiến trúc địa chất, kiến trúc khí tượng, kiến trúc môi trường, kiến trúc luận lý học, kiến trúc triết học, kiến trúc mỹ học, kiến thức tin học…để nghiên cứu về môi trường sinh thái và môi trường tâm linh phục vụ cho đời sống con người, hay nói cách khác, kiến trúc phong thủy phải đảm bảo cả yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần phục vụ cho cuộc sống. Những người nghiên cứu phong thủy chúng ta ai cũng biết Kinh Dịch, Phong thủy là bộ môn khoa học, nhưng là một loại hình khoa học đặc biệt, vừa có tính khoa học, vừa có tính tâm linh, huyền bí. Tính tâm linh ở đây tuy không nhìn thấy ở hồ sơ phong thủy nhưng được xem như linh hồn của hồ sơ phong thủy đó, nó xuyên suốt, định hướng cho công trình ấy, ví như phần mềm của một máy tính mặc định cho chương trình. Nó giống như chíp điều khiển cỗ máy, luôn định hướng máy chủ tới Chân, Thiện, Mỹ, hài hòa Thiên, Địa, Nhân… Tuy nhiên cũng phải nâng cấp thường xuyên phần cứng là kiến thức Phong thủy cho kịp xu thể phát triển của thời đại 4.0, 5.0 mà vẫn giữ được nét truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc…do đó có thể nói Phong thủy là bộ môn dễ học nhưng khó trở thành tài giỏi.
Trong góc độ thiết kế phong thủy chùa, đương nhiên có nhiều trường phái, nhiều quan điểm, nhưng tựu trung vẫn có một nét chung là kết hợp hài hòa 3 yếu tố Thiên: Thời điểm xây dựng chùa, mỗi giai đoạn lịch sử đều mang dấu ấn của thời đại ấy với cách nhìn nhận về vũ trụ quan, nhân sinh quan khác nhau. Địa: trên quan điểm Địa linh sinh nhân kiệt nên các ngôi chùa thường được chọn nơi xây dựng cũng như tọa hướng, bố cục rất kỹ càng. Nhân: chú ý nhiều đến yếu tố con người tập trung ở các tăng, ni và các Phật tử… để có một công trình vừa linh thiêng,vừa gần gũi với mọi người. Chính vì những nét đó, khi vào những ngôi chùa Việt ta luôn có cảm giác thanh tịnh, thành kính, linh thiêng mà thật ấm áp…
Trong kinh văn cổ chuyên về thiết kế phong thủy chùa còn lưu lại thì chùa gồm có tứ chính là: Tam bảo, Tam quan, nhà Tổ, nhà Mẫu ( Phật giáo Tiểu thừa, nguyên thủy không có) và tứ ngung ( là những yếu tố không chính nhưng cần thiết và không phải chùa nào cũng có) gồm: Tượng khải thiên ( tượng ngoài trời), Bảo tháp Phật giáo, lầu chuông gác trống, giếng hoặc ao chùa. Cùng với đó là nhị cụ gồm các công trình phục vụ chùa như: Nhà tăng ( ni) khu Ws, tả vu, hữu vu, nhà vong, vườn dược sư, sân thường chiếu ( giảng pháp hoặc ngồi thiền), am đả thiền… Những yếu tố này từng vùng miền có khác nhau.
Đương nhiên trong một ngôi chùa thì ngôi tam bảo quan trọng nhất. Sau đó đến cổng tam quan. Ta thường nghe nói: Họa từ khẩu xuất, bệnh từ khẩu nhập. Cổng tam quan là cửa khẩu đầu tiên thu nhập luồng khí vào khu vực đó, ngôi chùa, ngôi đình đó, đủ biết nó quan trọng nhường nào.
Chùa ở Việt Nam xưa kia không có cổng tam quan. Ở miền Bắc, ngăn cách chùa và các khu vực chung quanh thường là những lũy tre. Sau đó trong quá trình trùng tu chùa, cổng tam quan được dựng lên.
Tam là ba, quan là cửa ải, cửa ô, điểm then chốt. Tam quan là tên gọi cổng vào chùa, có ba lối đi, gồm lối chính giữa, bên trái và bên phải. Từ ngữ Tam quan xuất phát từ “Lăng Nghiêm tam quan” và “Hoàng Long tam quan”. Theo bộ Đại Chính tân tu, tam quan là ba câu hỏi của pháp sư Từ Vân Tuân Thức hỏi vị quan chú giải kinh Lăng Nghiêm. Vị quan không trả lời được, Ngài bèn ném bản thảo chú giải vào lửa. Từ đó có danh từ “Lăng Nghiêm tam quan”. Theo bộ Vạn Tục quyển 138, trang 326 thượng, Tông Môn Thống Yếu Tục tập II, (chương Hoàng Long Huệ Nam, Ngũ Đăng Hội Nguyên -17, Nhân Thiên Nhãn Mục 2) thì Hoàng Long tam quan là ba câu hỏi về Sinh Duyên, Phật thủ và Lư cước, dùng để khai thị học tăng đến cầu pháp. Tam quan là cổng vào chùa được được thiết kế ba lối vào, theo tinh thần giáo lý Phật giáo, tượng trưng cho không quan, giả quan, trung quan.
Không quan có ý nghĩa xét sự vật đều không có thật tính, thật tướng, mọi pháp vốn không. Thể hiện tư tưởng về tính”Không“ trong Phật giáo.
Giả quan có ý nghĩa xét sự vật, chư pháp đều biến hóa, giả tạm, vô thường. Thể hiện quan điểm vô thường trong giáo lý Phật giáo.
Trung quan có ý nghĩa quán sự vật theo tư tưởng trung đạo trong giáo lý Phật giáo. Không thiên lệch về một cực nào, tả cũng như hữu. Sau này, cổng chùa còn được thiết kế có hai cổng vào gọi là nhị quan ( ví như nhị quan chùa Giác Lâm, còn gọi là Tổ đình Giác Lâm – một trong những ngôi chùa cổ nhất ở thành phố Hồ Chí Minh (1744), là cái nôi của Phật Giáo miền Đông Nam Bộ) hoặc năm cổng vào gọi là ngũ quan ( ST)
Thiết kế xây dựng cổng Tam quan chùa,sách cổ còn ghi lại:
Thư hùng giao, Thần đạo trục
Từ nguyên tích trụ, khí tụ tam quan…
Bất cứ công trình nào khi thiết kế phong thủy việc đầu tiên là xem phương khí đến, long mạch ra sao… Xây dựng chùa cũng vậy, xem đất ấy âm hay dương, thái âm hay thái dương, thiếu âm hay thiếu dương mà phân định. Thư hùng là đực cái, âm dương. Cuộc đất âm mang tính Thư, lại phân ra thái âm hay thiếu âm, thường chùa hay trên đất này, nếu nhìn được khí sẽ thấy khí lên hoàn bão, nhẹ mỏng, sơ mật không đều, nhiều chỗ co rút, khuyết hãm… đất thái âm vượng sinh ra những nữ lưu trác tuyệt, mệnh phụ phu nhân. Thái âm suy sinh ra phụ nữ lăng loàn, bất chính, nam cờ bạc chơi bời… Thái âm phù khách không phù chủ. Nam giới đất này khó thành công, nếu thành công cũng khó trọn vẹn. Những người thành đạt thì thường lập nghiệp nơi xa.
Hùng là cuộc đất mang tính dương, cũng phân định thái dương hay thiếu dương. Đất thái dương vượng sinh người tài ba lỗi lạc, kinh tế khá giả, thành đạt, xuất nhập thành công, mạnh mẽ, quyết đoán. Thái dương suy sinh người nghiện ngập, cờ bạc, rượu chè, đa thê thiếp… Nếu nhìn được khí sẽ thấy khí lên mạnh mẽ, cô đọng như hình lọng, hình ô, hình đống rạ, hình con gà mái ấp…
Tuy nhiên không phải ai cũng nhìn được khí. Nếu vậy ta xét đến Long nhập thủ, Bản quái cục, âm dương thủy, thủy đến thủy đi, địa hình đất, trục thần đạo âm hay dương ( dựa trên hai mươi bốn cục phân định ) hay hình thể gò đống, hồ ao mà xét.
Phân định thư hùng xác định khí của chùa ấy, đất ấy mà tính toán phân kim tọa hướng, bố cục sao cho lấy được vượng khí tốt nhất, thích hợp nhất cho từng hạ mục của chùa ấy, đất ấy. Làm sao phát huy tối đa năng lực nội tại, giảm thiểu tới mức thấp nhất những nhược điểm vốn có. Để đón được linh khí của trời đất tụ lại nơi cửa thiền cho tăng ni, Phật tử gần xa, thiện nam tín nữ cúng dàng, lễ Phật.
Khi thư hùng, âm dương của đất ấy giao hòa tạo thành Trục thần đạo, tạo ra chuỗi khí gồm Tham lang, Cự môn, Lộc tồn, Văn khúc, Liêm trinh, Vũ khúc, Phá quân, Phụ bật. Đây là tên các vì sao, tương ứng với các vị Bồ tát bảo hộ cho ngôi chùa ấy, vùng đất ấy.
Đương nhiên khi nói đến Phong thủy thì phải xét đến âm dương, ngũ hành và bát quái. Trong kiến trúc xây dựng chùa cũng theo nguyên tắc đó, nhưng thực tế kỹ hơn nhiều. Bởi nếu thiết kế một âm trạch, dương cơ… có thể ảnh hưởng tới một gia đình, một dòng họ, một doanh nghiệp nào đó cũng đã lớn lắm rồi, nhưng khi thiết kế một ngôi chùa thì còn liên quan đến cả một vùng đất, liên quan đến lĩnh vực tâm linh,lại có tính lâu dài, vĩnh viễn…nên người thực hiện ngoài việc phải có cơ sở vững chắc về Dịch lý, vững vàng những trường phái phong thủy cơ bản, chính thống,có kinh nghiệm chuyên môn thì còn phải biết thêm nhiều yếu tố đặc hữu nữa. Đơn cử một ví dụ,chúng ta ai chẳng biết thổ sinh kim, kim sinh thủy, nhưng trên kim trục của trục Thần đạo lại tính: Kim tướng, thủy sinh…
Khi xây dựng nhà cửa, doanh nghiệp thì chú ý nhiều đến mệnh chủ, nhưng với chùa thì yếu tố tuổi sư trụ trì trong tọa hướng, bố cục không cao, có câu “ đất của vua, chùa của dân” chùa là của dân chứ không phải của vị trụ trì ấy, vị đó chỉ quản lý chùa trong một khoảng thời gian nhất định mà thôi. Do đó trước khi thiết kế, quy hoạch chúng tôi thường cùng lúc tham khảo ý kiến của đại diện nhà chùa, đại diện người dân trong vùng, cùng đại diện các ban ngành, đoàn thể và Đảng ủy, chính quyền địa phương, khi có tiếng nói thống nhất mới tiến hành công việc.
Trong mỗi hướng chùa và bố cục đều có tính cát hung, mạnh yếu rất cụ thể, do đó tại sao khi đến một ngôi chùa ta có thể biết ngay chùa đó thế nào, vùng đất ấy ra sao, nên khi thiết kế, người làm phong thủy cần cân nhắc chi ly. Ví như chùa hướng nam, vốn là hướng cát: “lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng nam” mà. Hướng nam với chùa tạo ra quẻ Hỏa sơn Lữ, vốn thích hợp với đình chùa, tu viện… Tuy nhiên hướng nam có ba sơn: Bính, Ngọ, Đinh tạo ra ba cách cục khác nhau. Sơn Bính thuộc quẻ Cấn, chùa hướng nam là sao Lộc tồn thuộc quẻ Khôn. Quẻ Cấn đặt trên quẻ Khôn ra quẻ Sơn địa Bác: Nhuyễn mô tách mộc, cây non lột vỏ, xấu, không dùng – Trên thực tế hầu như không có chùa nào hướng này. Nếu sơn Ngọ ta có quẻ Hỏa địa Tấn: cách Sừ địa đắc kim rất đẹp. Hay sơn Đinh ta có quẻ Trạch địa Tụy: cá chép hóa rồng, cũng rất đẹp.
Tuy vậy khi lấy phân kim trục thần đạo cũng phải rất chi ly, thiên tả hoặc thiên hữu mấy phân cần rất lưu ý. Do vậy chúng tôi thường trực tiếp làm việc này.
Sau khi xác định được trục thần đạo và kích thước, hình thể, bố cục ngôi tam bảo, ta xét tiếp đến cổng tam quan. Bởi ngôi tam bảo chính là trái tim, là gốc của mọi công trình trong ngôi chùa đó. Còn cổng tam quan là nơi nghênh đón khí lành.
Khi xây dựng thì cổng tam quan bao giờ cũng được đặt vào các cát tinh như: Tham, Cự, Phụ, Vũ trên trục thần đạo.
Câu “Từ nguyên tích trụ “ nói lên việc chuỗi khí trên trục thần đạo đó tạo thành chuỗi xương sống của ngôi chùa. Từ tâm tam bảo tỏa ra bốn phương tám hướng.
Khí tụ Tam quan là khi chùa có tượng, có linh khí do con người góp phần tạo nên sẽ chạy theo trục Thần đạo và tụ lại ở Tam quan.
Có 3 loại Tam quan:
- Lưu quan: Có cổng, có đường đi. Đây là trường hợp thông thường và cổng tam quan này thường nằm trên trục Thần đạo, trùng với trục của Tam bảo. Mọi người thường đi lại trên cổng này.
- Chỉ quan: Có cổng mà không có đường đi. Đôi khi ta thấy những ngôi chùa có cổng tam quan nhưng thường đóng kín, chẳng mấy khi mở. Thậm chí khi mở cổng chẳng thấy đường đi. Ra thẳng ruộng lúa hoặc không lưu thông bao giờ. Cổng này có thể trùng với trục Thần đạo, cũng có thể không.
- Phù quan: Nơi không dựng được tam quan, đôi khi chỉ có hai hoặc bốn cột Hoa biểu để : Khí tụ tam quan. Chúng ta thấy có những nơi mà có những cột hoa biểu dựng nên rất xa ngôi chùa, thậm chí ở giữa cánh đồng, chẳng thấy ai qua lại cổng ấy bao giờ. Có thể nằm trên trục Thần đạo trùng với trục của ngôi Tam bảo hoặc có khi không, cứ như chẳng có liên quan gì với nhau, nếu không hiểu có thể gây thắc mắc. Nhưng thực tế đó là Phù quan, nơi tiếp nhận linh khí cho ngôi chùa đó, vùng đất đó.
Khi thiết kế xây dựng thì Lưu quan thiết kế trên nguyên tắc “ Thư hùng giao…” Còn Chỉ quan và Phù quan thì kỹ hơn nhiều, ngoài những nguyên tắc rất chặt chẽ ra thường cần những vị sư đức cao vọng trọng làm lễ, đọc chú, kết ấn và còn một số phẩm vật của nhà Phật đặt vào mới phát huy tác dụng.
Trong bài này chỉ đề cập đến yếu tố Phong thủy của cổng tam quan chùa. Tuy nhiên cũng chỉ khái lược, để thực hiện còn rất nhiều yếu tố nữa. Thường là sau khi khảo sát, thiết kế phong thủy một ngôi chùa nào đó,chúng tôi đều nhờ Thầy Cao Từ Linh duyệt hồ sơ rồi mới tiến hành các bước tiếp theo. Thiết kế phong thủy chùa có thể nói không phải ai cũng làm được và không phải ai cũng được làm. Người cho là phúc duyên, kẻ lại cho là nghiệp. Âu rằng cứ để cho mọi người nhận xét, định danh. Mình vui và tự hào là được rồi.
Hà nội Trung thu Kỉ Hợi
THBĐN.