BÌNH DƯƠNG HUYỆT PHÁP

…“Mạch lạc bình dương mạc vấn tông,  

chỉ quan thuỷ nhiễu định chân long”(Việt Hải Tiên sinh)

  Nhân những ngày hạn chế đi lại. Đọc sách

Tiền nhân.  Ghi lại mấy câu gửi mọi người tham khảo

    BTH

Phép điểm huyệt ở miền bình dương ( đồng bằng) so với miền sơn cốc ( núi cao) cũng có cái tương đồng, có cái bất đồng. Cái tương đồng là: 1. Tiếp mạch. 2. Thừa khí. 3. Khí mạch kiêm thu. Thì miền nào cũng vậy. Còn cái bất đồng là:

– Ở miền Sơn cốc, thì nên tọa cao, triều đê, là huyệt gối vào chỗ cao, hướng vào chỗ thấp. Bên tả và bên hữu, đằng sau, thì nên bao vây cao kín và thủy triều ở trước huyệt.

– Ở miền Bình dương, thì nên tọa đê, triều cao, là huyệt gối vào chỗ thấp, hướng vào chỗ cao. Bên tả bên hữu và phía sau thì nên thông khoáng, phong quang, thoáng khí và thủy nên xung vào huyệt ( đất phẳng không có nước tụ thì vô khí, nếu lập hướng về nơi thấp thì nước chảy tuột đi hết là tuyệt khí, nên lập về phía cao để có nghịch thuỷ chảy vào minh đường thì mới hữu khí, mới kết phát)

Thật là hai phương pháp phản lại đặc biệt! lấy lý là: sơn thuộc âm, thì nên dùng thuận đi, mà hướng vào chỗ dương, thủy thuộc dương nên dùng nghịch lại, mà triều vào chỗ âm.

Nhận xét hai phép khác nhau này, chỉ vắn tắt mà bao quát hết được ý nghĩa của lý khí.

Trích lục mấy bài quyết về Bình dương:

Bình Dương quyết

  1. – “Bình dương tạo huyệt dữ sơn phân:

Thời sư vô pháp mạc thiên phần;

Táng pháp nhược đồng sơn cốc lý;

Trảm huyệt nhân gia, tộc thuộc thân!”

Nghĩa là

Phép đặt huyệt ở Bình dương phân biệt hẳn với miền Sơn cương – Người không biết phép táng, thì chớ nên làm thầy đặt mả – Nếu theo phép điểm huyệt ở miền sơn cao – Là chém giết hết cả con cháu, thân thuộc dòng họ của người ta!

  1. – “Sơn thuộc âm hề, Đê thuộc dương;

Cao khởi vi âm, đê thị dương;

Sơn cốc tàng phong, vi chân huyệt;

Dương địa phong suy, thị huyệt trường.”

Nghĩa là: Miền sơn cao thuộc âm, miền đất bằng thuộc dương – Khởi đột cao là âm, chỗ thấp là dương – Ở sơn cốc che kín được gió là chân huyệt – Ở Bình địa có gió thổi là chỗ huyệt trường.

  1. – “Loan đầu tinh thể mịch chân long,

Âm dương giao hội phối thư hùng;

Tàng phong, nạp khí vi chân huyệt,

Phong suy thủy kiếp thọ đinh cùng.”

Nghĩa là: Thấy cái tinh thể ở đầu vòng cong ôm lại là chân huyệt – Âm dương giao hội với nhau là Thư hùng – Phong suy thủy kiếp thì đa đinh sống lâu nhưng nghèo khổ.

  1. – “Giang hồ, hà hải tác Bình dương,

Phong thủy nguyên lai biệt hữu thành;

Tị thủy, tị phong chân tuyệt huyệt,

Phong suy thủy kiếp thọ đinh trường.”

Nghĩa là: Ở miền gần sông ngòi, hồ biển là Bình dương – Phong thủy ở hai miền nguyên lai có phương pháp riêng biệt để làm – Một đằng tránh nước xung, tránh gió thổi là chân huyệt, rất tốt – Một đằng có gió thổi, có nước xung thì đa đinh, trường thọ, là tốt, là chân huyệt.

Ở miền Bình dương so với miền Sơn cốc, thì hai phép đặc biệt phản lại:

Phép điểm huyệt ở miền Bình địa, thì lấy tọa hư ( chỗ thấp) thì thọ ( sống lâu), tọa thực ( chỗ cao) thì yểu ( chết non). Bên tả bên hữu phóng không thì đa đinh, bao vây lăng bức thì tuyệt tự ( chết mất giống). Hướng vào chỗ cao thì phát tài, hướng vào chỗ thấp thì tán tài, hết của.

Vậy có bài quyết: “ Thượng đê, trung đê, hạ đường cao; thọ trường, đinh vượng phú nhi hào”.

“ Thượng cao, trung cao, hạ đường đê; thọ đoản, đinh hy, vô phạn y”.

Nghĩa là: Cái thường đường thấp, cái trung đường thấp, cái hạ đường cao, thì đất ấy sinh ra nhiều con cháu trai, sống lâu, giàu sang, tài giỏi.

Trái lại, nếu cái thượng đường cao, cái trung đường cao, cái hạ đường thấp, thì con cháu ít và hay bị chết non, nghèo khổ, không cơm ăn, không áo mặc!

Vậy, lập huyệt cần phân biện xem ba cái đường: Ở phía sau huyệt là Thượng đường; bên tả hoặc bên hữu huyệt là trung đường; phía trước huyệt là hạ đường. Hoặc là, ba đường cùng ở trước mặt, thì cái nội đường ở gần huyệt là Thượng đường; cái ở khoảng giữa là Trung đường; cái ở ngoài xa là Hạ đường.

Và có câu: “ Huyệt hậu cao, yển nan đào! Huyệt hậu đê, thọ hữu dư!”. Nghĩa cũng như hai bài kể trên.

Phép ở Bình dương trái lại với phép ở Sơn cốc, nên bảo: “biệt hữu hành”. Chữ: “ bất khạ phong suy” là bảo huyệt ở miền Bình dương. Tối kỵ ở phía sau và bên tả bên hữu huyệt, có đột khởi cao che kín, tối hỷ: “ đê thản thụ phong”! là thấp phẳng để cho có gió thổi, thoáng khí, chỉ có phía triều hướng ở trước mặt là nên cao thôi không cho gió thổi lại trước huyệt ( trái với ở Sơn cốc là: Sơn cốc không kỵ gió thổi ở trước mặt). Vậy có câu: “ Thiên trụ phong suy hữu thọ dã; Minh đường đôi tích vạn tư sương”. Nghĩa là: Ở đằng sau đầu mà gió thổi thì lại thọ khảo ( sống lâu); ở Minh đường là trước huyệt có đống cao đột khởi là đôi tích, thì có nghịch thủy, là thu ngoại khí tụ lại, thì giàu có, của chứa muôn kho.

Thủy kiếp, là ở bản thân có lạch nước đâm ra, hãn mạch hẹp lại nên gọi là Thủy kiếp.

Thủy xung, là: cách một cái sông, mà ở bên kia sông có lạch nước triều lại, gọi đấy là Thủy xung. Có thủy xung, thủy kiếp thì khí mới tụ và khí mới động, nên bảo: “ Giang hồ, hà hải vi dương đoán; Xung, Kiếp, phản, dĩ tác quan lan”, là ý nghĩa đó.

Ở Bình dương không có thủy xung, thủy kiếp, tức là một phiến bình thản như tấm da cứng phẳng là tử khí, thì lấy gì làm bằng cớ mà tìm huyệt. Nếu có cái binh kiếp ( lạch nước hẹp) thì thủy lai hoàn bão; có cái binh xung ( lạch nước triều) thì thủy triều củng. Có xung, có kiếp là giới thủy, chỉ long, có quan lan (ngăn cửa hãn nước) rõ rệt, cũng như ở miền Sơn cốc có long hổ, sơn sa thì mới kết huyệt. Vậy, tất cả những chỗ ở Bình dương mà có thủy kiếp, thủy xung ở trước, sau, tả, hữu huyệt, đều coi như là ở Sơn cốc có tinh phong cao khởi, nó là thủy phong ở miền Bình dương đấy. Có nhiều ngòi lạch nước xung, kiếp là nhiều thủy phong bài sáp hộ vệ, nên có câu: “ Huyệt hậu hà thủy trực lai xung; tả hữu lưỡng bàng phú quý ông. Huyệt tả yêu biên sáp nhất bút; trưởng phòng tử tôn tố Hầu bá. Huyệt hữu, yêu biên sáp nhất bút, nhị phòng tử tôn tố Hầu bá”. Ở đằng trước huyệt có xung, có kiếp, gọi là Chấp hốt ( cầm cái Hốt); ở bên tả thì phát về ngành con trưởng, ở bên hữu thì phát về ngành con thứ; ở giữa trước huyệt thì các ngành đều phát.

Có bài quyết đoán: Tả chấp Hốt, trung thừa xuất, hữu chấp hốt, Ngự sử xuất. Diện tiền sáp nhất bút, trung thần gián quan xuất, nhược giả sáp tam bút, Thượng thư cá lão xuất. Những cái xung, kiếp ( lạch nước) ấy, ở đằng trước gọi là Hốt; ở bên tả, bên hữu gọi là Bút, lại là Ngư đại; ở đằng sau là Tọa sơn, hết thảy những cái xung, kiếp ấy nên ngắn, không nên dài, nên rộng, không nên hẹp; nếu hẹp mà thảng dài là tiễn thủy ( cái tên bắn), thì rất là hung! nên tránh; ngắn và rộng mới là Hốt, là Bút. Cái quyết bảo là Hốt và Bút, là theo cái tông tích của Cửu tử tinh thể mà tìm. Cửu tử là Văn khúc, Tứ lục là Văn xương, Nhất bạch là Tham lang. Những tinh này đều là phát quý, nếu niên bạch hợp đến phương vị có Hốt, Bút thì năm ấy phát quý.

Nếu có cái chuôm, cái ao nhỏ ở gần trước huyệt thì tối kỵ! Vì hay sinh người dâm dục và đui mù. Ở xa ngoài trăm bước thì không sợ phạm ( long hổ cước thượng trì, dâm dục định vô nghi)

Trên đây là luận về Bình dương đã tường tận, chẳng qua là lấy lý ở Bình dương thì long mạch ly Tổ sơn đã xa, long mạch khoan thư, và bình thản, không có sống tích mạch, vì là thủy đã xuyên cắt đứt đoạn nhiều rồi, không còn dầu vết lộ ra, như là một khu đất bằng trong khoảng ấy rộng độ chừng gần ngàn mẫu, dài không được vài dặm, mà nhận long mạch rất khó, nên phải lấy thủy lưu hành hoàn bão, xung kiếp làm chủ. Xưa đã nói: “ Lạc tại Bình dương mạc vấn tông, đãn quan thủy nhiễu thị chân long” chính là nghĩa đó.

Đây là lý thuyết dĩ thủy vi long. Vì cớ là, ở đồng bằng phần nhiều là kết huyệt ở tận trung tâm và đầu giác, chỗ thủy vòng câu hoặc quanh tròn như bàn long, có tiểu thủy thanh huyệt ở trong, có đại thủy triền nhiễu ở ngoài, nhưng tối kỵ huyệt khoan ( chỗ kết huyệt rộng), hà khoát ( sông rộng lớn), vì huyệt khoan thì khí tản, hà khoát thì thủy đãng, đều là không thành cách cục kết địa.

                                                Hà nội 2-11-2021

                                           Thái Hoà Bùi Đình Ngọc