Bàn về Dương trạch

Thái Hòa Bùi Đình Ngọc

Những người nghiên cứu Văn hóa Phương đông chúng ta, nhất là về lĩnh vực Phong thủy, ít ai không biết đến Việt Hải tiên sinh cũng như bộ Bảo ngọc thư. Tuy nhiên ít ai biết cụ còn nhiều tác phẩm về Phong thủy nữa. Cũng đã lâu rồi tôi được một người bạn tặng một cuốn sách của cụ. Tiếc rằng sách in Roneo lại rất cũ nên vô cùng khó đọc. Cũng may nhờ anh bạn khác có đội ngũ đánh máy trẻ, mắt tinh lại nhiệt tình đánh máy lại. Tuy có mất chi phí nhưng cũng đáng. Đầu tiên đọc thấy văn phong nhẹ nhàng, tri thức cũng bàng bạc nên có đôi chút thất vọng. Nhưng khi đọc lại thấy sự truyền đạt nhẹ nhàng,  nhẩn nha và có vẻ toàn những điều ai cũng biết rồi đó hóa ra lại ẩn chứa những tri thức rất ảo diệu mà lâu nay mình không biết hoặc biết mà còn nông cạn. Nghĩ rằng tri thức là của chung nên quyết định đưa ra cho mọi người cùng nghiên cứu. Bắt đầu từ số này. Chúng tôi sẽ lần lượt đăng nội dung cuốn trên trong Nội san CLB để mọi người cùng tham khảo.

DƯƠNG TRẠCH

(Tức là dương cơ)

Dương trạch là ngôi nhà ở của người còn sống. Về vấn đề nhà ở, còn quan trọng khẩn thiết hơn là ngôi âm phần hay là âm trạch (tức là lăng mộ hay mồ mả của những người đã qua đời, vì lí do là: mồ mả Cái địa khí thì đi chìm dưới đất còn xung túc vào thi hài của người chết, rồi các tinh khí của các thi hài đó mới phát xuất tự âm khí. Nó sẽ tìm đến cái dương khí của người cùng khí huyết tức cùng chung một dòng máu mới hợp nhập (bèn hút vào nhau) câu chữ: “Đồng khí tương cầu” chính là nghĩa đó. Hai cái khí âm và dương cùng dòng máu ấy, hòa với nhau, dần dần tiêm nhiễm truyền vào cái thai sanh của  hài nhi (tức con cháu dòng giống của tiền nhân) nên cái họa phúc còn chậm trễ, chứ về dương trạch thì cái thiên khí đi nổi ở trên, hễ mở của ra là khí theo đường cửa vào  nhà ngay. Những người trong ngôi nhà ấy cùng hấp thụ cái không khí ấy, hằng ngày trực tiếp dưỡng dục ngay ở bản thân. Vậy sự hung, cát có ảnh hưởng linh ứng đến mình rất mau chóng, có thể là nay thịnh mai suy, sớm cười, tối khóc không chừng! Đó là cái lý khí của ngũ hành vận chuyển, hoặc tương sinh, hay tương khắc đối với mỗi người, mỗi ngôi nhà đều khác biệt, nên sự hung, cát, tốt xấu có khác nhau, ta thường nói: “Đất có tuần, nhân có vận” là lẽ thế!

Các vị thánh hiền, tiên triết xưa nay đã từng kinh nghiệm, nên đã phát minh, để lại kinh sách truyền cho hậu thế, tức là giúp ích, tạo phúc cho nhân loại. Tuy là huyền bí, nhưng thấy linh ứng hiển nhiên! Những bậc thức giả không còn hồ nghi, nên mới tận tâm tín mộ học hỏi để am hiểu phương pháp mà tự lực dựng nhà đất, mở cửa ngõ v.v… Để đón lấy cái khí lành, tránh khí sát, khiến  cho gia đình được an cư trước, rồi mới tính đến sự lạc nghiệp sau, điều đó là quan niệm thông thường của người Đông phương, tức là người Trung – Hoa, Việt – Nam v.v..

bàn về dương trạch
Sách Bảo Ngọc Thư - ảnh: Thái Hòa Bùi Đình Ngọc

Về phương pháp lựa chọn chỗ đặt nền nhà, ngôi dương trạch thì cũng đồng một nguyên tắc về địa lý như đặt ngôi âm phần vậy, chỉ khác một vài điểm nhỏ thôi. Tôi đã viết riêng ra một mục bàn về dương cơ ở quyển Bảo Ngọc Thư thứ ba (bộ lập hướng), nhưng chỉ diễn tả những phương pháp chính yếu, đại cương, và mấy cái tiểu tiết bất đồng với phương thức đặt ngôi âm phần thuộc về khoa địa lý, chứ những điểm phụ thuộc và huyền bí về ngôi dương trạch thì chưa tiện viết, vì là ngoại khoa địa lý phong thủy, người đời thường cho là dị đoan.

Nhân những dịp tốt tiếp xúc với những bạn thức giả, được thấy đa số ý kiến là muốn tôi viết tách riêng ra một quyền về dương trạch, có đủ các điều huyền bí dị kỳ của môn ấy, để cho phần đa số người được tiện dụng hơn. Bởi lẽ là: dương trạch thì hết thảy các giới: giàu nghèo ai ai cũng cần thiết dùng đến nó, có thể tự thực hiện làm được, chứ cả toàn khoa địa lý phong thủy về âm phần, thì cao siêu khó hiểu, chỉ dành cho những người có khả năng về trí lực tài lực, đủ phương tiện mới theo nổi. Còn phần nhiều là những người chỉ cần biết một phần về dương trạch, mà phải mua cả một bộ sách địa lý về âm phần thì có điều hơi phiền phức. Vậy tôi cũng thế theo ý kiến của phần đa số đại chúng, nên không dám dọn nan. Tuy tuổi già, sức yếu, cũng cố ráng sưu tầm những kinh sách về phần dương trạch của tiên hiền, tiên triết đã phát minh, nay soạn tả ra theo thứ tự như dưới đây, để các đọc giả cùng nghiên cứu, cùng kinh nghiệm, xem xét cả ngôi nhà về dĩ vãng và hiện tại, để tránh cái dữ, lựa chọn cái lành, mà kiến tạo hay sửa chữa, canh cải lại  nhà mình cho hợp với lý khí khiến cho gia đình được an cư thịnh vượng.

Nguyên tắc về dương trạch (nhà ở) và âm trạch (phần mộ) không khác nhau, nhưng sự liên hệ và ảnh hưởng của dương trạch quan trọng hơn. Vì vậy ngày xưa nhà Chu dời kinh đô sang đất Kỳ,  đất Cáo phải bói quẻ để tìm đất ở nơi đạt hội tụ sơn thủy.

Đại sư phong thủy Cao Từ Linh và CLB Nghiên cứu và Phát triển Văn hóa Phương Đông về nghiên cứu thiết kế phong thủy chùa Tường Vân - ảnh: Thái Hòa Bùi Đình Ngọc

Liêu Kim Tinh nói: Nơi đóng đô phải là nơi sơn thủy đại hội tụ, thành thị thì tìm chỗ trung tụ, còn nhà ở và phần mộ thì nên ở chỗ tiểu tụ. Ở đây ta không có thì giờ để bàn về thủ đô và thành thị, mà chỉ bàn về  chỗ tiểu tụ để làm nhà cửa cần thiết cho mọi người ở mà thôi.

Điều trọng yếu là phải phân biệt nơi ở sơn cốc, nơi bình nguyên (đồng bằng). Ở chỗ đồng bằng một dãy đất rộng lớn mênh mông thì phải lấy chỗ long mạch dẫn tới chỗ kết tác huyệt tinh cao hơn các chỗ khác thì mới tốt, nếu thấp hơn thì xấu: Nói là cao, nhưng chỉ hơn nhau khoảng một vài thước ta, hay một hai tấc cũng là cao. Vì vậy ở nơi đồng bằng không khoáng chỉ sợ chọn nhầm. Dương Công nói: “Ở nơi đồng bằng thì không cần phải biết chỗ phát tích từ đâu đến, chỉ cần coi chỗ có nước hội tụ quanh co, đó là chân long (thật mạch)”. Đây là bí quyết để coi đất ở nơi bình dương, hay đồng bằng, còn về nơi sơn cốc, muốn đặt nền làm nhà ở chỗ rộng rãi, bằng phẳng, thì phải tìm mạch thoát xuống chỗ thấp như đồng ruộng có lõm, khoáng khuyết bốn mặt bao vây hộ vệ, nhưng phải là nơi không bị gió thổi, thì mới tụ khí mà dụng dặt nhà. Nếu gặp chỗ chật hẹp quá, thì không nên phá đất làm rộng ra. Tóm lại là: Nhà ở đồng bằng thì cần chọn chỗ có thủy nhiều hội tụ là tốt. Nhà ở vùng sơn cước thì cần chọn chỗ có sơn bao quây kín gió thì mới là tốt.

Xem xét những ngôi nhà ở trên toàn quốc nước Trung Hoa, chỉ có hai ngôi nhà dương trạch được ở nơi phong thủy tốt đẹp đặc biệt! Một ngôi nhà của Đức Khổng Tử, thuộc tỉnh Sơn Đông ở dưới núi Thái Sơn là khoảng hai dòng nước của sông Thù sông Tứ giao hội, đó là một quý cách tại đồng bằng của địa lý, nên con cháu được hưởng phúc lộc lâu dài, trăm ngàn năm chưa dứt, vẫn vinh hoa. Một ngôi khác tại núi Long Hổ Sơn, đặt ở vào Huyện Thanh Khê, tỉnh Giang Tây, Chỗ Long sơn nhập thủ, liệt ra một dãy như bức bình phong (bức tường chắn gió) cao ngất trời ở phía sau chỗ kết huyệt có thác Lạc Quân Sơn hình thể như long chầu, hổ phục trông thật ngoạn mục, đó là nơi phúc địa tàng phong tụ khí ở vùng sơn cốc, ngôi dương trạch này có từ đời ông Trương Đạo Lăng luyện thuốc ở sau dãy núi Long Hổ, về sau cháu bốn đời của họ Trương ngày càng thịnh vượng, mới mở đặt nền móng nhà làm ở đây, đến nay đã hơn 50 đời mới hơi suy giảm chút ít, phúc trạch vẫn dày, miêu duệ còn thịnh trường kê tự. Những nơi như thế trong thiên hạ cũng ít thấy. Ngoài ra những nơi nào địa thế hữu tình coi được thì những thời sư biết đã chọn để lập thành thị và đặt nhà cửa trước cả rồi, bởi vậy ngày nay muốn tìm chỗ đất tốt tại thành thị thì rất khó. Vì vậy tôi viết ra cuốn sách này chú trọng về toà nhà và cửa mở cho hợp với lý khí, nhiều hơn là chọn chỗ nền nhà. Cần biết là làm nhà cửa đúng phép, hợp với lý khí của ngôi dương trạch đối với mỗi người thì dẫu nhà hung cũng hóa thành cát, nếu phạm sát khí thì dẫu có phúc đức cũng biến thành tai họa, nên phải thận trọng.

TÁC DỤNG CỦA DƯƠNG TRẠCH

Coi đất làm nền nhà ở miền núi đồi thì cần phải có mạch, lấy mạch trọng dụng hơn là thủy. Ở miền đồng bằng thì lấy thủy làm trọng hơn mạch. Sự hưng suy của dương trạch là do sự lưu hành của khí mạch, được mạch to, thế lớn, khí nhiều là điểm đất lớn, hưởng phúc lộc lâu dài ngàn năm chưa nghỉ. Nếu có một lần sa, một lần thủy, mà khí mạch nhỏ thì hưởng phúc độ 60 năm, hoặc trăm năm thôi, vậy nên hỏi sự tác dụng phải lấy mạch khí làm bản (thế) lấy sa, thủy làm dụng, cả khí và cục đều hoàn toàn mới là phúc địa, có cục mà không có khí thì nhân đinh không vượng tiến, có khí mà không có cục thì tiền tài khó giữ (cục) là 8 cung (quẻ). Lấy thiên can phối hợp với ngũ hành thành đại cục là Kim cục, Mộc cục, Thủy cục, Hỏa cục. Mạch tướng hợp với cục, mà thủy khẩu đắc vị là cát địa, thì được thịnh vượng. Nếu long thần phân ra chi cước (như chân tay)  mà hiếm đất ở chật hẹp đào xẻ, mở rộng thêm thì bị đoạn thương long mạch, sẽ sinh ra tai họa. Những người lấp giếng, ao, lạch để dựng nhà cửa thì khó giữ được ở lâu dài. Nếu muốn đặt ống cống để tiêu nước đi thì cũng phải chọn lựa phương pháp nào hợp pháp mới được an cư, đằng trước hoặc ở đằng sau nhà có chỗ cao chỗ thấp không được làm càn ra chỗ khác, phải theo chiều thủy phóng hợp lý. Đây là phép tác dụng của dương trạch, đại khái là như vậy.

                                                       Hà Nội 7-4-2021